Kinh nghiệm xin VISA DU LỊCH TỰ TÚC NHẬT BẢN

VISA DU LỊCH TỰ TÚC NHẬT BẢN

Đầu tiên, bạn phải xác định việc được chấp thuận visa du lịch vào một nước bất kỳ là hên xui nên cứ chuẩn bị tâm thế nếu không đi được nước này thì ta đi nước khác. Do vậy, ta cứ chuẩn bị hồ sơ xin visa tốt nhất có thể rồi phó mặc cho định mệnh thôi nhé. Sẽ không có bất cứ một lý do rõ ràng nào cho việc đậu hay rớt khi xin visa. Và quá trình chuẩn bị hồ sơ xin visa cũng là một trải nghiệm cho bản thân. Nếu bạn không quá bận rộn, đừng ngại việc tự chuẩn bị hồ sơ xin visa nhé.

Visa du lịch Nhật Bản có thời hạn 3 tháng. Vì vậy, tôi nộp hồ sơ xin visa sớm nhất có thể để nếu có rớt thì còn thời gian để nộp lại.

Các hồ sơ cần phải chuẩn bị bao gồm:
1. Hộ chiếu: Việc đi chơi cũng nên có một chiến lược cụ thể. Bạn nên lần lượt đi những nước được miễn visa trước, rồi đến những nước xin visa dễ rồi các nước khó sau. Cụ thể là đi vòng vòng các nước Đông Nam Á, xen kẽ đi Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc. Nghe nói rằng khi xin được visa đi Nhật rồi thì việc đi Châu Âu và Mỹ cũng dễ thở hơn.

2. Đơn xin visa: Đơn này thì cứ theo mẫu thôi. 
Lưu ý:
   - Mỗi người làm 1 đơn xin visa riêng.
   - Làm đúng theo hướng dẫn để xuất ra mã QR ở góc trên bên trái đơn. (Hình 1)

3. Chụp 2 tấm hình kích thước 4,5x4,5cm.

4. Hồ sơ chứng minh khả năng chi trả chuyến đi và quay trở lại Việt Nam (hồ sơ này là quan trọng nhất), gồm:
   4.1. Sao kê tài khoản lương (6 tháng gần nhất, tô màu đánh dấu các dòng lương, các thu nhập khác cố định hàng tháng) có đóng dấu của ngân hàng (nộp bản chính).
   4.2. Giấy chứng nhận số dư tài khoản ngân hàng / Chứng nhận tiền gửi có kỳ hạn trước 3 tháng khi nộp xin visa, giá trị >100 triệu: quy định là vậy nhưng thực tế gửi tiết kiệm được bao nhiêu thì nói ngân hàng xác định bấy nhiêu, không cần chạy vạy mượn tiền để gửi tiết kiệm cho đủ 100 triệu đâu nha. Ngoài sổ tiết kiệm mở dạng online hay sổ giấy, bạn nên để 1 ít tiền trong tài khoản có thể dùng thẻ thanh toán quốc tế như Visa, Master Card, JCB... để sử dụng thanh toán tiền khách sạn, mua đồ miễn thuế... Rồi nói ngân hàng cho 2 tờ giấy xác nhận số dư tài khoản tiết kiệm và tài khoản thường có đóng dấu ngân hàng (khỏi sao y công chứng).
   4.3. Giấy tờ xác nhận việc làm, hợp đồng lao động: Đi công chứng cái hợp đồng lao động thôi. Tôi bổ sung thêm cái giấy xác nhận công ty có vốn nhà nước luôn (cái mẫu này từ thời xin visa đi Hàn Quốc nên in lại). (Hình 2)
   4.4. Đơn xin nghỉ phép đi du lịch có xác nhận phê duyệt của công ty: viết song ngữ tiếng Việt/Anh để khỏi đi dịch công chứng phí tiền.
   4.5. Giấy tờ nhà đất, xe ô tô: Có bao nhiêu thì đi công chứng hết cho hoành tráng. Nếu có nhà đang cho thuê thì cũng công chứng hợp đồng cho thuê luôn. Nộp bản sao y công chứng.

5. Vé máy bay: Cái này cũng không quan trọng lắm. Bạn nào sợ rớt visa mất tiền vé máy bay thì đợi có visa rồi mua vé máy bay cũng được. Riêng tôi thấy vé máy bay khuyến mãi nên mua trước luôn. Bên công ty được ủy quyền khuyến khích có vé máy bay kèm vào hồ sơ xin visa. Chỉ cần in vé điện tử ra giấy.

6. Lịch trình lưu trú: Ghi rõ các hoạt động dự định, nơi ở, số điện thoại và địa chỉ nơi ở và các giấy tờ xác nhận lịch trình - Đặt chỗ khách sạn. Kinh nghiệm nên đặt khách sạn nào không tính phí hủy phòng trên booking.com vì đây chỉ là lịch trình dự kiến. Nộp bản chính có chữ ký của bạn.
Lưu ý: 
   - Tên của người đặt phòng phải đúng tên của người xin visa.
   - Bắt buộc phải điền ngày nhập cảnh, ngày về nước. Bắt buộc điền tên chuyến bay và sân bay xuất nhập cảnh nếu đã quyết định.
   - Lịch trình cần viết theo từng ngày. Không chỉ ghi tên thành phố chung chung như "Tokyo", "Kyoto" mà cần ghi cụ thể địa điểm và nội dung hoạt động thực tế.
   - Hãy điền cụ thể nơi sẽ nghỉ lại (trường hợp khách sạn ghi rõ tên, địa chỉ, số điện thoại).
   - Cách thức đi đến các địa điểm. (Hình 3)

7. Trường hợp xin visa theo nhóm: Tài liệu chứng minh mối quan hệ giữa những người xin visa với nhau
   - Nếu là vợ chồng thì nộp bản công chứng Giấy chứng nhận kết hôn.
   - Nếu đi theo nhóm bạn thì liệt kê danh sách nhóm bạn, ai là người đại diện nhóm, mối quan hệ giữa người đại diện với từng thành viên khác, kèm theo những hình ảnh chứng minh mối quan hệ. Ví dụ hình chụp đi chơi chung trước đây...

8. Giấy tờ cá nhân: Sao y công chứng các giấy tờ bao gồm Căn cước công dân và hộ khẩu công chứng (nếu có).

Hồ sơ nhiêu đó là đầy đủ rồi. Kế đến là lựa chọn công ty ủy thác xin visa Nhật Bản để nộp hồ sơ xin visa. Hiện tại, Nhật không cho phép cá nhân trực tiếp nộp hồ sơ xin visa tại đại sứ quán/ lãnh sự quán mà phải thông qua các công ty ủy thác xin visa Nhật Bản. Danh sách bao gồm 14 công ty ở HCM. (Xem link đính kèm)

Nếu bạn rảnh thì cứ thong thả gọi điện thoại đến 14 công ty này để xem công ty nào lấy phí dịch vụ rẻ nhất. Nếu không kiên nhẫn thì nộp cho Viettours ở số 19B Mai Thị Lựu Q1. Công ty này lấy phí 600k/hồ sơ bao gồm 525k lệ phí visa. Kinh nghiệm của tôi là cứ nộp hồ sơ cho công ty nào lấy phí rẻ nhất. Vì nộp công ty nào thì tỷ lệ đậu/ rớt cũng như nhau thôi. Các công ty lớn lấy phí visa mắc (có công ty lấy phí tới 1,2 triệu/hồ sơ), vừa thời gian chờ visa lâu do thường ưu tiên hồ sơ của khách đoàn của công ty nó trước rồi mới đến khách lẻ sau. Và cũng đừng tin mấy công ty nào trên mạng cam kết đậu visa nhé.

Rồi, vậy là xong rồi. Sau khi nhận hồ sơ, công ty được ủy thác sẽ gửi cho bạn hình ảnh biên nhận nộp hồ sơ và ngày trả lời kết quả (Hình 4).
Tới ngày hẹn thì đến công ty lấy visa về thôi. Được thì ta đi chơi, không được thì ta lại nộp lại hồ sơ hay đi nước khác cho bỏ ghét vậy! :D

À quên, Nhật đã bỏ các giấy tờ liên quan đến Covid-19 rồi nhé! Do vậy bạn không cần đi chích mũi thứ 3 đâu! :)
#VisaNhatBan

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn