BHUTAN - VÀ CHÚNG TA SẼ NÓI GÌ VỀ HẠNH PHÚC.
#hoài_niệm_những_chuyến_đi
Bhutan, nổi tiếng với thế giới có lẽ vì là quốc gia duy nhất lấy chỉ số hạnh phúc để đánh giá sự phát triển của quốc gia thay vì GDP, bởi họ cũng không sản xuất gì nhiều ngoài du lịch. Tuy nhiên du lịch cũng được quản lý chặt bởi chính sách giới hạn số lượng khách du lịch hàng năm, bắt buộc khách phải đi tour với giá bao gồm thuế cho chính phủ khá cao, mang lại nguồn thu chính cho đất nước. Bhutan, còn đem đến sự tò mò cho du khách bởi sân bay Paro, một trong những sân bay nguy hiểm nhất thế giới, chỉ có 8 phi công có lisence được phép cất hạ cánh.
Ở Bhutan chỉ có 1 trường đại học với vài ngành đào tạo, 8 trường cao đẳng, 3 rạp chiếu phim ở thủ đô Thimphu, 1 rạp ở Paro và không có cái nào ở cố đô Punakha. Tôi cũng không gặp shopping mall hay siêu thị nào to, chỉ là những cửa hàng tiện lợi hoặc chợ nông sản nhỏ. Người dân Bhutan ăn uống khá đơn giản, phần lớn là ăn chay. Ngay ở những nhà hàng hoặc khách sạn lớn thì buffet cũng chỉ có chừng 1 hoặc 2 món thịt, 3 món rau và cơm, mỳ. Thức ăn không nhiều vị cary nhưng cũng có gia vị đặc trưng. Người dân không được phép săn bắn, kể cả việc câu cá cũng phải có giấy phép, nhưng bắt được lại phải phóng sinh luôn. Các loại thịt cá phần lớn nhập khẩu từ Ấn độ. Học sinh đến trường, công chức đi làm được quy định mặc những bộ đồ truyền thống.
Kiến trúc ở đây chủ yếu là kiến trúc Dzong - pháo đài. Tất cả các công trình công cộng, nhà cửa đều làm theo kiến trúc này đem lại một nét thống nhất đặc trưng rất riêng. Không có nhà cao tầng, không có những khu thương mại sầm uất, không đèn tín hiệu giao thông, không cả những đại lộ nhiều làn xe vun vút. Từ thủ đô Thimphu đến cố đô Punakha chỉ có một con đường quốc lộ duy nhất quy mô tương đương tỉnh lộ ở mình. Thú thật là mấy đêm ở đây chúng tôi không biết làm gì sau bữa tối.
Nhưng trẻ em nơi này được đi học miễn phí, người dân đến bệnh viện không cần lo chi phí khám chữa bệnh. Có bộ Hạnh phúc chỉ để đảm bảo cuộc sống cho người dân. Những cánh rừng bao phủ khắp nơi mang lại bầu không khí trong lành cho đất nước, đây là nơi duy nhất trên thế giới có chỉ số khí thải CO2 âm.
Ở Bhutan tôi còn nghe người ta nói rằng người dân sẽ nghĩ đến cái chết ít nhất hai lần một ngày, khi sáng thức dậy và đêm trước khi đi ngủ. Để họ thấy rằng cái chết cũng bình thường không có gì đáng sợ, và để trân quý, hoan hỉ mỗi ngày họ đang còn sống. Họ cũng thường nghĩ đến cái chết trước khi thực hiện một điều gì đó với câu hỏi "nếu ngày mai tôi không còn được làm điều này nữa thì sao", để dồn tất cả nhiệt huyết và yêu thương như thể đây là lần cuối.
Tôi, không biết liệu mình có hạnh phúc không nếu định cư sinh sống tại quốc gia hạnh phúc nhất thế giới này, bởi vốn vẫn mang trong mình đầy đủ tham sân si hỷ nộ ái ố, vẫn ham hố phồn hoa náo nhiệt. Nhưng những ngày ở đây, tôi thấy hạnh phúc khi chạm tới ước mơ của mình khi được thăm những tu viện pháo đài Dzong cổ, được lắc lư theo những con đường ngoằn ngoèo xuyên qua những cánh rừng, được ngắm dẫy Himalaya mờ ảo trong màn mây mù bàng bạc, được nhìn nụ cười hiền hậu trên mặt những thanh niên chắc không biết lứa anh hùng Avenger cũ đã tạm biệt thế giới.
Thôi thì cũng chỉ cần một mẩu hạnh phúc như vậy, để ghép với nhiều mẩu khác nhặt nhạnh dần trong đời, trong các giấc mơ kế tiếp.
Sân bay Paro 5/2019 - Tình nào không một nửa là mơ....