Việt Nam khai quật thành công 'kho báu' bị chôn vùi 12 thế kỷ ở một xã ven biển miền Trung, được công nhận kỷ lục thế giới.
Theo các tài liệu khảo cổ, sáng ngày 18/4/2001, tại bờ biển xã Phú Diên, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, một nhóm công nhân khai thác titan đã bất ngờ phát hiện một khối gạch bị vùi sâu dưới cát biển. Phát hiện này đã mở ra một cuộc khai quật quan trọng, khi các nhà khảo cổ học nhận định đây là một trong những tháp Chăm cổ nhất tại Việt Nam
.
.
Theo kết quả khai quật, tháp Phú Diên có hình chữ nhật, hướng Đông - Tây, với mặt bằng dài 8,22m và rộng 7,12m. Tháp gồm nhiều phần, bao gồm móng, chân tháp, thân và diềm mái. Chiều cao còn lại của tháp từ 3,1m đến 3,26m, do bị lún nghiêng qua thời gian.
Đế tháp được xây dựng hình chữ nhật với 4 lớp gạch liên kết chặt chẽ, tạo nền móng vững chắc. Thân tháp cao 1,36m, bên trong là lòng tháp hình chữ nhật có bệ thờ cao 0,73m, trên đó đặt Yoni bằng sa thạch, biểu tượng quan trọng trong kiến trúc tôn giáo Chăm Pa. Trước cửa chính, cách 5m, là một bệ thờ hình vuông bằng gạch với kỹ thuật mài khít độc đáo, các nhà nghiên cứu cho rằng nơi đây từng đặt tượng thờ.
Điều đáng chú ý là màu sắc của gạch tháp Phú Diên vẫn giữ được nét đỏ hồng đặc trưng, dù đã trải qua hàng thế kỷ. Theo các nhà khoa học, gạch tháp được làm từ đất sét nung ở nhiệt độ thấp (dưới 800-900 độ C) và sử dụng kỹ thuật mài chập kết hợp với nhựa cây ô dước để tạo sự kết dính bền vững.
Kết quả phóng xạ cacbon sau đó cho thấy, tháp được xây dựng từ đầu thế kỷ thứ VIII, thuộc một trong những tháp Chăm cổ nhất Việt Nam. Giới nghiên cứu nhận định, tháp Chăm này nằm trong phong cách chuyển tiếp giữa phong cách kiến trúc cổ Mỹ Sơn E1 sang phong cách kiến trúc tháp Hòa Lai…
Ngày 14/3/2022, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam (VietKings) chính thức xác lập kỷ lục cho tháp Phú Diên là "Tháp Chăm cổ chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên tại Việt Nam".
Sau đó, vào ngày 30/5/2022, Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings) cũng ghi nhận tháp Phú Diên với danh hiệu "Tháp Chăm cổ bằng gạch chìm sâu dưới cồn cát ven biển được khai quật và bảo tồn đầu tiên trên thế giới".
Dù đã chịu nhiều biến dạng qua thời gian và tác động của thiên nhiên sau hơn 12 thế kỷ, kiến trúc và nghệ thuật của tháp vẫn giữ được sự tinh tế và giá trị văn hóa lịch sử đặc biệt.
Người Quan Sát